Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, chết khi mới vừa bị bắt

Nguyễn Phương Hồng, trợ lý tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chết khi mới vừa bị bắt

Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã qua đời vào ngày 10/10, sau hai ngày bị bắt giam.

Nguyên nhân bà Nguyễn Phương Hồng chết chưa được công bố

  • Bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người vừa bị công an khởi tố, bắt giam hôm 7/10 trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được gia đình thông báo chết hôm 10/10.
  • Tờ Pháp Luật Online (PLO) loan tin trên trong ngày 10/10 vào thời điểm gia đình phát tang bà Nguyễn Phương Hồng tại nhà riêng ở đường Nam Hòa, phường Phước Long A thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên bản tin này không cho biết bà Hồng qua đời tại địa điểm nào.
  • Theo cáo phó của gia đình bà Hồng qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 9/10/2022 nhưng không nêu rõ qua đời vì lý do gì.
  • Điểm đáng chú ý là hai giờ sau khi tờ Pháp Luật TPHCM (PLO) loan tin về cái chết của bà Phương Hồng thì bài viết trên tờ báo này đã không còn nữa. Đường link dẫn vào nội dung chuyển về trang chủ.
Hình chụp được cho là thông báo tin buồn ngày 10/10 của gia đình bà Nguyễn Phương Hồng
Hình chụp được cho là thông báo tin buồn ngày 10/10 của gia đình bà Nguyễn Phương Hồng. (Nguồn: BBC Vietnam)

Nhiều uẩn khúc trong cái chết của trợ lý Nguyễn Phương Hồng

Từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân nhận định với VOA rằng ‘có nhiều điều bất thường quanh cái chết của bà Hồng’.

Theo phân tích của ông thì khi bị bắt bà Hồng vẫn còn trẻ và ‘chắc chắn còn khoẻ’. Luật sư giải thích và lưu ý từ ngày bà Hồng bị bắt cho đến khi bà được thông báo là qua đời chỉ có 2 ngày.

Ông chỉ ra việc ở Việt Nam một số bị can có thể viện lý do sức khỏe hay phải chữa bệnh để từ chối làm việc với cơ quan điều tra, hầu tòa hay tham gia các hoạt động tố tụng khác, chưa nói đến bị bắt tạm giam.

Điều bất thường nữa là việc báo chí loan tin về cái chết này nhưng lại rút bài xuống chỉ sau vài tiếng, ông nói, và việc đám tang của bà bị công an, dân phòng canh gác không cho mọi người đến gần để chụp ảnh.

Do đó, ông loại trừ khả năng bà Hồng chết ‘vì lý do tự nhiên’. “Khả năng cô ấy tử vong do tác động bên ngoài là cực kỳ cao”, luật sư Quân nhận định.

Về khả năng bà Hồng bị ám toán, ông Quân nói trên lý thuyết bà phải được công an ‘bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt’, nhất là trong giai đoạn đầu điều tra, vì ‘bà ấy đang liên quan đến vụ án hết sức nghiêm trọng với vai trò, vị trí hết sức quan trọng’.

“Điều kiện ám toán ở trong trại giam Việt Nam là hoàn toàn có thể với điều kiện phải có được sự đồng ý hay tiếp tay của cán bộ trại giam, hoặc là từ cấp cao nhất, hoặc là cả dây chuyền”, ông nói thêm.

Theo lời luật sư Quân thì kẻ được lợi trong cái chết bí ẩn của bà Hồng là ‘những người muốn gây khó khăn cho quá trình điều tra, có thể là những thế lực hắc ám đứng sau bà Hồng, những kẻ đã thực hiện hành vi phạm tội từ trước đến giờ với bà Hồng’.

Bị bắt trong vụ Vạn Thịnh Phát

  • Trước đó, theo bản tin ngày 8/10 đăng trên Cổng thông tin Bộ Công an, vào ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ba bị can trong đó có bà Hồng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019. 
  • Bộ Công an nói ngày 7/10, đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
  • Đồng thời, công an đã khởi tố khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với:
    • Bà Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)
    • Bà Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor)
    • Bà Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1984, trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)
    • Ông Hồ Bửu Phương (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)
  • Bốn người cùng bị khởi tố, bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông báo của Bộ Công an ngày 8/10, có thể hiểu bà Nguyễn Phương Hồng đã bị bắt tạm giam.

Nguyễn Phương Hồng là ai?

Trang web của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết:

Bà Nguyễn Phương Hồng có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ Kinh doanh, Phó Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc Chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khối Tái thẩm định Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Hiện nay, Bà đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

Tuy nhiên thông tin trên hiện đã bị xóa trên website của Ngân hàng SCB.

Là nhân sự cấp cao của ngân hàng SCB?

Bài viết của Vietnamnet ngày 8/10/2022 có tiêu đề: “Liên tục biến động nhân sự cấp cao, kết quả kinh doanh của SCB ra sao?” cho biết:

Hội đồng quản trị SCB có 3 người gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Sun Ka Ziang Henry (sn 1957), và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng.

Bài viết kèm hình ảnh của bà Nguyễn Phương Hồng dưới đây.

HĐQT SCB có 3 thành viên gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng (giữa), Phó Chủ tịch HĐQT Henry Sun Ka Ziang, và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng.
Ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet

Như vậy bà Nguyễn Phương Hồng từng là thành viên HĐQT của ngân hàng SCB.

Bài báo cũng cho biết: “Ông Nguyễn Tiến Thành, thành viên HĐQT độc lập của SCB vừa mới đột ngột qua đời vào ngày 07/10. Ông Thành cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt.”

Như vậy, chỉ trong vòng ba ngày, hai thành viên HĐQT của SCB đã qua đời bất ngờ. Thông tin tiểu sử của cả hai đều bị gỡ bỏ khỏi website chính thức của SCB.

SCB được thành lập vào năm 2011 trên cơ sở hợp nhất 03 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).

Ngân hàng có các công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản SCB (do ngân hàng sở hữu 100% vốn điều lệ); Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (81,80%).

Ngoài ra, SCB còn góp vốn vào các công ty liên kết gồm: CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Hạ Long (5,69%); CTCP Sài Gòn Kim Liên (9,9%); CTCP Du lịch Sài Gòn Vĩnh Long (1%); và CTCP Thông tin tín dụng Việt Nam (6,64%); 

Leave a Comment

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s